XEM VIDEO:

Năm nay Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều tầng lớp nhân dân tỉnh Điện Biên. Trong 40 khối diễu binh, diễu hành, khối nữ dân quân các dân tộc Tây Bắc nổi bật với trang phục các dân tộc Tây Bắc, tay đeo súng, ánh mắt cương nghị nhưng vẫn toát lên sự dịu dàng, gần gũi.

Khối nữ dân dân các dân tộc Tây Bắc có gần 100 thành viên, đều là con em đồng bào dân tộc: Thái, Khơ mú, Tày, Kinh...sinh sống ở Điện Biên. So với những ngày đầu (cách đây 3 tháng) còn ngượng nghịu với bước chân sai nhịp, những cô gái Tây Bắc giờ đây đã thực hiện thuần thục kỹ thuật duyệt đội hình đội ngũ duyệt binh, diễu hành.

w dieu binh dien bien phu 5 581.jpeg
Khối nữ dân quân các dân tộc Tây Bắc trong buổi hợp luyện tại sân vận động Điện Biên sáng 28/4. Ảnh: Minh Hiền

Vào huấn luyện, từng hành động của các nữ chiến sĩ "sao vuông" đều nhanh nhẹn, chuẩn xác. Từng động tác đánh tay, đi đều, chào, mang súng đi đều…được các chị thực hiện thành thục không kém gì những chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp. 

Trao đổi với VietNamNet, Thiếu tá Nguyễn Quang Sơn, Tổ trưởng Tổ giáo viên huấn luyện khối nữ dân quân Tây Bắc cho biết, khối nữ dân quân có 98 thành viên, nếu tính cả giáo viên, quản lý, tổ phục vụ tổng là 130 người.

"Các chị em được Ban Chỉ huy quân sự xã huyện trong tỉnh tuyển chọn từ đầu năm, đến ngày 19/2 bắt đầu tập trung luyện tập. Khâu tuyển chọn đảm bảo theo tiêu chuẩn từ 19-30 tuổi, chiều cao trên 1m6, quân dung nhìn chung ưa nhìn, phẩm chất chính trị rõ ràng. Nhiều bạn xuất phát điểm là sinh viên, có người đi làm, người đã lập gia đình", Thiếu tá Nguyễn Quang Sơn thông tin.

Quá trình huấn luyện ban đầu khá vất vả, theo Thiếu tá Sơn, khối nữ dân quân có nhiều đặc thù về sức khoẻ, xa gia đình, yếu tố tâm lý, lần đầu vào môi trường quân đội, di chuyển quãng đường xa từ Điện Biên về Hà Nội tập trung.

Thời gian đầu chủ yếu tập trung học ke tay, ke chân để các động tác có cữ. Khối trưởng, tổ quân kỳ cho đến những cá nhân trong khối đều tập riêng, sau đó mới ghép theo từng hàng, hai hàng, năm hàng, nửa khối, rồi tiến dần lên khối hoàn chỉnh...

Sau mỗi buổi tập, chỉ huy đơn vị rút kinh nghiệm, góp ý cho từng người những động tác chưa đúng; người tập đều, đẹp chỉ người chưa đẹp, buổi tối tranh thủ tập thêm để sửa sai ngay. Hơn 2 tháng tập luyện ở Trung tâm huấn luyện Quân sự quốc gia 4, cuối tháng 4 các khối diễu binh di chuyển lên Điện Biên để sơ duyệt, tổng duyệt chuẩn bị lễ kỷ niệm.

Trời tháng 5 Điện Biên nắng như đổ lửa, các nữ chiến sĩ “sao vuông” mướt mồ hôi vẫn hăng say luyện tập với những động tác nhanh nhẹn, dứt khoát… Kết thúc nội dung đi đều bước, hai má ửng hồng, Lò Thị Thanh Phong (29 tuổi, dân tộc Thái) chia sẻ niềm vui với chị em trong khối vì sau 3 tháng xa gia đình mới đây trong buổi sơ duyệt diễu binh tại sân vận động Điện Biên cô được gặp bố mẹ.

Thanh Phong tự hào nói đây là lần thứ hai cô tham gia diễu binh mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ và cả đội dân quân chỉ riêng cô có trải nghiệm này. "Năm 2014, khi mới 18 tuổi, được xã rồi huyện chọn vào khối tôi đã thấy hạnh phúc. 10 năm sau lại tiếp tục được chọn để tham gia diễu binh quả thực quá đỗi vinh dự, may mắn với một người con Điện Biên như tôi", Thanh Phong tâm sự.

W-f62316f5cba46afa33b5-2.jpg
Nữ dân quân Lò Thị Thanh Phong. Ảnh: Chí Hiếu

Xã Thanh Luông hồi đó chọn được khoảng 10 nữ dân quân nhưng đến lần tuyển chọn diễu binh này cả xã chỉ được 2 người đủ tiêu chuẩn trong đó có Thanh Phong. So với dịp kỷ niệm 60 năm, lần này các nữ dân quân tập luyện dài hơi hơn.

Tuy đã lần thứ 2 nhưng cô gái người Thái vẫn có chút bỡ ngỡ, hồi hộp. Mới đầu mấy chị em còn gặp một vài khó khăn với việc làm quen với nếp sinh hoạt kiểu quân nhân hay việc luyện tập đội hình, đội ngũ. Có chị xa gia đình, con nhỏ nên thời gian đầu nhớ nhà. 

Thanh Phong nói: "Chị em chúng tôi 100% là quê hương ở Điện Biên, sau thời gian ngắn đã xác định rõ được mục tiêu, ý nghĩa của việc đại diện cho dân quân các dân tộc tỉnh mình tham dự lễ kỷ niệm, mọi người đều vượt qua được".

Trong buổi sơ duyệt cách đây 2 ngày, bố mẹ Thanh Phong thu xếp công việc xuống tận thành phố để xem con gái trình diễn, "bố mẹ tôi chỉ mong nhanh đến ngày tổng duyệt, lễ kỷ niệm để được gặp tôi lần nữa, tôi đứng hàng ngoài nên bố mẹ cũng nhận ra dễ dàng", Thanh Phong hồ hởi nói.

W-6fbac5561b07ba59e316-2.jpg
Phút giải lao của các nữ dân quân với chiến sĩ khối Phòng không - Không quân. Ảnh: Chí Hiếu

Những ngày sơ duyệt và tập luyện tại tỉnh Điện Biên cùng với các khối khác, khối nữ dân quân được bà con nhân dân cổ vũ, tiếp sức nhiệt tình. Nhiều lời chúc “cố lên”, "tuyệt vời"… cứ theo sát như truyền thêm năng lượng, động lực cho các cô gái.

Viết tiếp truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” trên khắp thao trường, các nữ chiến sĩ “sao vuông” luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt mọi khó khăn, góp phần vào thành công chung của lễ kỷ niệm.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường.

Tháng 4/1954, Bộ Chính trị dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch đã ra nghị quyết toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng rất lớn sức người, sức của từ các vùng tự do để chi viện cho Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo huy động nguồn hậu cần tại Tây Bắc vì phương án này vừa không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi: “Đồng bào Tây Bắc... san sẻ những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn để đánh giặc”.

Nhân dân cả nước luôn yêu quý và gọi lực lượng dân quân tự vệ với cái tên trìu mến, thân thương là chiến sĩ “sao vuông”. Đây là lực lượng nòng cốt về quân sự, quốc phòng ở cơ sở, không chỉ nghiêm túc trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cùng dân giữ làng, bám bản, đảm bảo an ninh trật tự mà còn làm được rất nhiều việc tốt, có ý nghĩa, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “…lực lượng vô địch, bức tường sắt của Tổ quốc”.